BỔ SUNG VITAMINS VÀ KHOÁNG CHẤT

Mặc dù không cung cấp năng lượng nhưng vitamins và khoáng chất lại là những chất dinh dưỡng vi lượng cực kỳ cần thiết đối với cơ thể, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe, sự tăng trưởng và phát triển cũng như đảm bảo các hoạt động chức năng của cơ thể diễn ra bình thường. Vì vậy, việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng vi lượng sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, tùy vào mức độ và loại chất bị thiếu hụt mà triệu chứng sẽ khác nhau. Thiếu hụt các chất dinh dưỡng vi lượng thường không có các triệu chứng đặc hiệu dẫn đến khó phát hiện sớm, thậm chí chỉ phát hiện khi đã xãy ra các biến chứng. Ở Việt Nam, những khuyến nghị cụ thể cho nhu cầu của từng loại vitamins và khoáng chất được đưa ra bởi bởi Viện dinh dưỡng, Bộ Y tế.

Chúng ta hoàn toàn có thể cung cấp đủ nhu cầu vitamins và khoáng chất cho cơ thể thông qua một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cân bằng, phù hợp với độ tuổi và tình trạng sinh lý. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc thiếu hụt vitamins và khoáng chất vẫn còn rất phổ biến ở người trưởng thành. Nghiên cứu mà Katie đang thực hiện cùng với các giáo sư tại Hà Lan cho thấy người trưởng thành Việt Nam ở trong tình trạng thiếu hụt một số vitamins và khoáng chất quan trọng như canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin E và vitamin B12…, chúng ta chỉ đang cung cấp khoảng 50% so với nhu cầu thật sự của cơ thể. Nguyên nhân chính vẫn là do chế độ ăn thiếu lành mạnh và thiếu cân bằng. Chúng ta chưa ăn đủ và đa dạng các thực phẩm cung cấp chất đạm và chất béo tốt, cũng như rau xanh và trái cây, hầu như không tiêu thụ sữa và các chế phẩm từ sữa. Nhóm ngũ cốc, mặc dù chúng ta đã ăn đủ nhưng lại không đa dạng với việc ăn quá nhiều cơm trắng và không ăn các loại ngũ cốc khác.

Vitamin D là một ngoại lệ vì chỉ một lượng nhỏ vitamin D được cơ thể hấp thu thông qua chế độ ăn còn phần lớn là hấp thu qua da khi chúng ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Việt Nam là một nước nhiệt đới và chúng ta được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quanh năm, nhưng việc thiếu hụt vẫn có thể xãy ra ở những đối tượng ít vận động và làm việc ngoài trời. Ở những nước có mùa đông kéo dài, việc khuyến nghị bổ sung vitamin D vào khoảng thời gian này luôn được các chuyên gia dinh dưỡng lưu tâm. Bản thân Katie khi học tập và làm việc ở Anh và Hà Lan cũng vậy, cứ vào khoảng đầu tháng 10 cho đến cuối tháng 3, Katie luôn lưu ý đến việc bổ sung vitamin D cho bản thân và những khách hàng mình tư vấn.

Vitamins và khoáng chất là những chất dinh dưỡng cực kỳ quan trọng đối với cơ thể, nhưng điều đó không có nghĩa là cung cấp càng nhiều càng tốt. Rất nhiều người nghĩ rằng thực phẩm chức năng không phải là dược phẩm nên có thể tùy ý sử dụng và nếu có lỡ dùng quá liều thì cũng không sao. Nhưng thật ra nếu bổ sung vitamins và khoáng chất quá liều trong một thời gian dài hoàn toàn có thể gây hại. Các vitamins tan trong nước (các vitamins nhóm B và vitamin C) sẽ có xu hướng đào thải hơn là dự trữ, việc bổ sung nhiều hơn so với nhu cầu là một sự lãng phí lớn vì thực phẩm chức năng không hề rẻ và có thể gây ra những tác dụng phụ. Ví dụ, quá liều vitamin B3 có thể khiến da mẫn đỏ ở một số người, quá liều vitamin B6 có thể gây mất cảm giác ở chân và cánh tay. Sử dụng vitamin C với liều trên 1000mg 1 ngày có thể gây đau bụng và tiêu chảy. Trong khi đó, các vitamins tan trong chất béo (vitamin A, D, E, K) sẽ được dự trữ tại gan và các mô mỡ, việc tích lũy quá nhiều có thể dẫn đến ngộ độc. Ví dụ, ngộ độc vitamin A có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, mờ mắt, khó chịu, đau đầu và giảm cân.

Tuy nhiên, việc bổ sung vitamins và khoáng chất là cần thiết ở một số đối tượng vì những lợi ích sức khỏe đã được khoa học công nhận. Cụ thể:

  • Trẻ sơ sinh: sau khi sinh, trẻ sơ sinh sẽ được cho tiêm hoặc uống 1 liều vitamin K 0,5mg – 1mg, tùy vào cân nặng lúc sinh của trẻ để phòng ngừa xuất huyết não, màng não. Do đó, những bạn đang mang thai và người nhà cũng nên lưu ý việc em bé của mình được tiêm hoặc cho uống vitamin K sau sinh. Trẻ sơ sinh cũng được khuyến nghị cho bổ sung vitamin D từ lúc mới sinh đến 4 tuổi. Liều lượng bổ sung sẽ khác nhau giữa trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn và trẻ bú sữa công thức và còn tùy thuộc vào lượng sữa bé uống mỗi ngày. Nếu trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, trẻ nên được bổ sung vitamin D với liều lượng 10 µg (400 IU)/ 1 ngày để đảm bảo nhu cầu của trẻ. Nếu trẻ bú sữa công thức, mẹ của bé nên kiểm tra thành phần vitamin D có trong sữa, nếu đã đáp ứng đủ nhu cầu của bé thì không cần thiết phải bổ sung, tuy nhiên đến gian đoạn ăn dặm hoặc ngưng sữa công thức, việc bổ sung vitamin D cần phải được điều chỉnh để đáp ứng đủ nhu cầu vitamin D của trẻ ở độ tuổi này là 10 µg (400 IU)/ 1 ngày.
  • Trẻ em: trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi cần được bổ sung vitamin A. Ở Việt Nam, hiện nay trẻ em trong độ tuổi này được bổ sung vitamin A theo chương trình dinh dưỡng quốc gia, tức là trẻ sẽ được bổ sung vitamin A mỗi năm 2 lần tại các cơ sở y tế địa phương.
  • Người cao tuổi: đối tượng này nên được cân nhắc bổ sung canxi vì trên thực tế rất khó để đáp ứng đủ nhu cầu canxi từ chế độ ăn, nhu cầu canxi của người trên 70 tuổi là 1000 mg/ 1 ngày.  Đáp ứng đủ nhu cầu vitamin B12 ở người cao tuổi cũng là một vấn đề do đó US Institute of Medicine khuyến nghị người trên 50 tuổi có thể cân nhắc bổ sung vitamin B12 để đáp ứng nhu cầu là 2,4 µg/ 1 ngày. Phụ nữ trên 50 tuổi và nam giới trên 70 tuổi cũng nên cân nhắc bổ sung vitamin D, đặc biệt là những người thường xuyên ở trong nhà, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Những người theo chế độ ăn chay: những người đang bỏ hoàn toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật ra khỏi chế độ ăn cần được bổ sung vitamin B12, bởi vì vitamin B12 chỉ hiện diện trong những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Ngoài ra, đối tượng này cũng có nguy cơ thiếu sắt cao vì sắt có trong những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật có giá trị sinh học cao hơn sắt có trong những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, do đó việc bổ sung sắt cũng nên được lưu ý. Nếu loại bỏ hoàn toàn sữa và các chế phẩm từ sữa ra khỏi chế độ ăn cũng sẽ dẫn đến việc khó đáp ứng đủ nhu cầu canxi của cơ thể do đó việc bổ sung canxi cũng được khuyến nghị. Liều lượng bổ sung cụ thể cho từng loại vitamins và khoáng chất nói trên sẽ được tính toán dựa vào nhu cầu khuyến nghị theo từng độ tuổi cũng như giới tính.
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản: phụ nữ trong độ tuổi này dễ bị thiếu máu thiếu sắt vì nhu cầu cao, dự trữ sắt thường thấp do mất máu trong các kỳ kinh nguyệt, và cũng khó đáp ứng đủ thông qua chế độ ăn. Trước tiên, các bạn gái nên bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt vào chế độ ăn, sau đó thì hãy xem xét việc bổ sung sắt và acid folic mỗi tuần 1 viên (60 mg sắt và 2800µg acid folic) trong thời gian 3 tháng, nghỉ 3 tháng, sau đó tiếp tục bổ sung 3 tháng.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú: phụ nữ có thai cần được bổ sung sắt và acid folic với liều lượng mỗi ngày 1 viên (60mg sắt và 400µg acid folic) từ khi mang thai đến sau khi sinh 1 tháng. Một câu hỏi Katie cũng rất hay được hỏi là có nên bổ sung canxi cho phụ nữ mang thai không? Thật ra, việc bổ sung canxi khi mang thai là cần thiết ở những đối tượng có lượng canxi từ chế độ ăn thấp để phòng ngừa tiền sản giật, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc bệnh cao huyết áp. Như Katie đã viết ở trên, người Việt chúng ta thường ở trong tình trạng thiếu hụt canxi do đặc điểm của chế độ ăn. Do đó khi mang thai, các bạn hãy cân nhắc việc bổ sung canxi để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và em bé nhé! Viện dinh dưỡng Việt Nam khuyến nghị nhu cầu canxi của phụ nữ mang thai là 1200 mg/ 1 ngày và phụ nữ cho con bú là 1300 mg/ 1 ngày. Bổ sung vitamin D cho phụ nữ mang thai và cho con bú với liều lượng 10 µg (400 IU)/ 1 ngày cũng được khuyến nghị. Một lưu ý khác cũng quan trọng đó là bổ sung vitamin A khi mang thai là KHÔNG ĐƯỢC KHUYẾN NGHỊ, do đó nếu các bạn sử dụng những viên uống tổng hợp đa vitamins và khoáng chất cho phụ nữ mang thai thì phải kiểm tra hàm lượng vitamin A, vì nếu quá liều (trên 3000 µg/ 1 ngày) sẽ rất có hại cho thai nhi.

Lời nhắn của Katie

Nếu bạn đang có ý định bổ sung cho bản thân hoặc người thân bất kỳ một loại vitamins hay khoáng chất nào. Hãy:

  • Xem đối tượng cần bổ sung có nằm trong nhóm được khuyến nghị bổ sung hay không? Nếu có, hãy nhờ đến sự tư vấn để được bổ sung một cách hợp lý. Nếu không nằm trong nhóm đối tượng trên thì việc bổ sung là chưa cần thiết. Hãy:
  • Cố gắng điều chỉnh chế độ ăn của mình nếu chế độ ăn của bạn chưa lành mạnh và cân bằng trước khi lựa chọn sử dụng thực phẩm chức năng. Nếu sau khi đã điều chỉnh mà việc bổ sung vẫn cần thiết. Hãy:
  • Tìm hiểu kỹ sản phẩm mà mình định sử dụng. Thị trường thực phẩm chức năng ở Việt Nam rất phức tạp với một lượng lớn những sản phẩm không rõ nguồn gốc và xuất xứ. Chúng ta hãy là những khách hàng thông minh để bảo vệ bản thân và gia đình mình nhé!

Love,

Katie

References: NHS (UK), NIN (Vietnam), WUR & Nutrition Centre (The Netherlands), Institute of Medicine (US)

Chia sẻ bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on google